CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ ĐÃ TIẾN HÓA THẾ NÀO TRONG MỘT THẬP KỶ QUA (PHẦN 3)

Tiếp nối 2 phần trước của series bài viết “Chiến thuật bóng đá đã tiến hóa thế nào trong một thập kỷ qua, mời quý độc giả đón xem tiếp phần 3:

III, SỰ LÊN NGÔI CỦA PRESSING VÀ PHẢN CÔNG

Thời đại thống trị của possesion game lên cực thịnh ngay vào đầu thập niên 10s và cũng bị thoái trào cực kỳ nhanh chóng chỉ trong vẻn vẹn 1-2 mùa bóng – nó cho thấy vòng lặp “thuyết tiến hóa bóng đá” hoàn thành chu trình của mình ở tốc độ cao đến thế nào trong quãng thời gian này.

Và kẻ phá hủy trực tiếp possesion game chính là pressing và phản công – cần chú ý rằng pressing và phản công đều không phải lối đá hay trường phái mà đến tận bây giờ nhiều người vẫn lầm tưởng. Đó đơn giản là những công cụ chiến thuật góp phần tạo ra lối đá chung mà thôi. Bản thân trong trường phái possesion game cũng bao hàm pressing trong đó bởi pressing là công cụ giành lại quyền kiểm soát bóng tốt nhất.

Ở thời kỳ cực thịnh của Mourinho, ông cũng đã biết rằng pressing là chìa khóa tốt nhất để phá lối chơi possesion game, ông đương nhiên cũng biết rằng với đặc thù luôn dâng đội hình lên cao của possesion game thì khoảng trống sau lưng họ là rất lớn và phản công là phương án tuyệt vời để ghi bàn.

Tuy nhiên, Mourinho chỉ có thể lúc thì tận dụng công cụ này, lúc tận dụng công cụ nọ mà không thể nào kết hợp 2 cái lại làm 1 được. Vấn đề rất nan giải khi mà nếu pressing thì ông cần sử dụng quá nhiều nhân lực dâng cao, điều này phá hỏng tư duy thiên về phòng thủ khu vực của ông, mà nếu lùi sâu về phòng ngự để đối phương hở khoảng trống rồi bản thân tận dụng phản công thì ông lại không thể pressing chỉ với 1-2 cầu thủ được. Chính vì vậy mà chưa bao giờ HLV người Bồ Đào Nha cùng những đại diện khác trong trường phái này thực sự phá hủy được hoàn toàn possesion game dù cũng có đôi lần họ chiến thắng.

Và có một người biết cách để kết hợp pressing và phản công một cách tuyệt vời nhất – đó là Jurgen Klopp, người khai sinh ra khái niệm gegenpressing.

bóng đá jurgen klopp

Mùa giải 2012-2013 là thời điểm mà người Đức với gegenpressing hủy diệt cả Châu Âu với thứ bóng đá bốc lửa của mình.

Chỉ trong một quãng thời gian ngắn, Dortmund của Klopp và cả Bayern Munich của Jupp Heynckes đã xây dựng được một cơ chế pressing vô cùng khổng lồ, họ xây dựng ra rất nhiều tiêu chí pressing phong phú như:

– tiêu chí về thời gian: áp sát cực nhanh với thời gian ngắn nhất

– tiêu chí về bóng: áp sát theo định hướng bóng di chuyển

– tiêu chí về kèm người: áp sát kèm người trước khi người đó nhận được bóng

– tiêu chí về không gian: di chuyển chiếm lĩnh không gian, triệt tiêu nguy cơ chuyền bóng

Mỗi một tiêu chí sẽ tỏ ra hiệu quả ở những hoàn cảnh riêng và số lượng nhân sự cần thiết để bật công tắc pressing cũng khác nhau, với 4 tiêu chí này, Dortmund và Bayern Munich tạo ra cuộc cách mạng trong công cụ pressing khi lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá họ xóa bỏ hoàn toàn khái niệm “phạm vi pressing” – một thứ tưởng không thể phá bỏ được.

Trước thời điểm Dortmund của Klopp vô địch Bundesliga hai mùa liên tiếp từ 2010 tới 2012 thì người ta vẫn luôn nghĩ rằng, giới hạn về thể lực khiến một đội bóng muốn chơi pressing luôn phải quy định một phạm vi pressing nhất định và chỉ có thể bật công tắc pressing trong phạm vi đó – thường là trong khoảng giữa sân, nơi có mật độ cầu thủ cao nhất thuận lợi cho pressing.

Với cơ chế phạm vi pressing này thì sẽ tồn tại thêm một khái niệm là “thoát pressing”

Các đội chơi possesion game cứng cựa vốn không thiếu những cá nhân kĩ thuật tuyệt đỉnh và nền tảng ăn rơ vốn có, họ cực kỳ giỏi thoát pressing với những màn cầm bóng xoay trở khéo léo cũng như bật nhả, phối hợp chuyền bóng mượt mà đưa bóng thoát ra khỏi áp lực nguy hiểm. Tuy nhiên, Klopp đã chứng minh điều ngược lại, đối với ông thì không có chuyện thoát pressing vì chỉ cần bóng ở trong sân thôi thì nó sẽ luôn bị dồn áp lực đến khi nào mất thì thôi.

Tất nhiên, Klopp không cho cầu thủ chơi doping rồi chạy như cỗ máy mà ông sử dụng 4 tiêu chí pressing kia một cách khoa học nhất, với những trường hợp bao gồm: Khi nào? Khu vực nào? Với bao nhiêu người? – điều này giúp đội bóng của Klopp thậm chí có thể pressing cực tốt ở toàn mặt sân dù có đôi lúc chỉ phải sử dụng 1-2 cầu thủ để tạo áp lực. Nếu các cầu thủ Barcelona phối hợp di chuyển và chuyền bóng phức tạp 1 thì các cầu thủ Dortmund cũng phối hợp di chuyển và tạo áp lực tranh bóng phức tạp gấp 10 lần.

Klopps raumorientiertes Gegenpressing bóng đá

Gegenpressing (theo: Spielverlagerung)

Tuy vậy, đó mới chỉ là một nửa bức tranh mà thôi, pressing là để giành lại bóng nhưng giành được bóng rồi làm gì mới là vấn đề.

Trong bóng đá, người ta có thể chia một đội bóng làm hai trạng thái chơi bóng, đó là chơi khi có bóng (tấn công) và chơi khi không có bóng (phòng thủ), đây là cách chia chưa đầy đủ. Đầy đủ hơn phải là chơi khi có bóng, chơi khi không có bóng, chơi khi vừa mất bóng và chơi khi vừa mới có bóng – tổng cộng 4 trạng thái, trong đó 2 trạng thái sau là những trạng thái nằm giữa sự chuyển đổi của 2 trạng thái đầu tiên.

Và chính xác thì khi vừa giành được bóng nhờ pressing thì đội sẽ rơi vào trạng thái “khi vừa mới có bóng” và đối phương nằm ở trạng thái “khi vừa mới mất bóng” – những trạng thái mang tính hỗn loạn.

Ở đây, nếu chúng ta giành được bóng và chỉ đơn giản là chuyền an toàn để gia tăng khả năng kiểm soát bóng thì ngay lập tức sẽ chuyển sang trạng thái “chơi khi có bóng” còn đối phương sẽ là “chơi khi không có bóng” – những trạng thái mang tính ổn định hơn. Nhưng nếu tổ chức ngay một đợt phản công tốc độ thì trạng thái “khi vừa mới có bóng” – “khi vừa mới mất bóng” của cả hai sẽ được giữ nguyên.

Tất nhiên, nóng vội phản công ngay sẽ rất dễ mà mất bóng, nhưng không sao cả, ngay kể cả khi mất bóng thì đối thủ cũng vẫn chỉ ở trạng thái “khi vừa mới có bóng” còn chúng ta là “khi vừa mới mất bóng”.

Lúc này vì bóng ở quá xa cầu môn của chúng ta (vì chúng ta vừa mới phản công thất bại mà) nên đối thủ không thể phản công nổi mà buộc phải chuyền gia tăng kiểm soát bóng và chúng ta tiếp tục pressing đẩy họ vào trạng thái mất bóng rồi một vòng lặp nữa lại xảy ra – Đây chính là điều phá hủy lối chơi possesion game khi mà đối phương có quá ít hay thậm chí không bao giờ được chơi bóng ở trạng thái “chơi khi có bóng” cả, cho dù năng lực thoát pressing của họ tốt đến mấy .

Và đó là cách mà Klopp kết hợp pressing và phản công thành gegenpressing, điều mà Mourinho đau đáu mãi không tìm ra lời giải.

Việc cứ pressing rồi lại phản công tốc độ rồi pressing tiếp rồi lại phản công tốc độ giúp một pha hãm thành của những đội bóng dẫn dắt bởi Klopp thường không bắt nguồn theo bất cứ lối phổ thông nào mà người ta thường thấy (như phát triển bóng từ dưới lên) mà nó luôn khởi nguồn từ giữa sân sau khi đoạt lại bóng của đối phương – thay vì di chuyển quả bóng cách khung thành đối phương cả trăm mét, họ chỉ cần làm nó với khoảng cách 50 mét hay thậm chí 20-30 mét.

Dortmund của Klopp và Bayern Munich của Jupp Heynckes đã thực sự thay đổi lịch sử bóng đá như vậy, bóng đá từ sau họ sẽ vĩnh viễn thay đổi.

(còn tiếp…)

1 thought on “CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ ĐÃ TIẾN HÓA THẾ NÀO TRONG MỘT THẬP KỶ QUA (PHẦN 3)”

  1. Pingback: Arsenal Đã Khóa Chặt Trung Lộ Một Cách Xuất Sắc Trước Man City -

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top