CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ ĐÃ TIẾN HÓA THẾ NÀO TRONG MỘT THẬP KỶ QUA (PHẦN 1)

Xu hướng của bóng đá thường phát triển theo 2 logic đơn giản:

(1) – Một CLB thành công và các CLB khác học tập theo và áp dụng (điều này lây lan như bệnh dịch và tạo ra xu hướng)

(2) – Một CLB tạo ra xu hướng và các CLB khác nghĩ ra cách khắc chế xu hướng đó (và rồi thành công)

Từ (1) dẫn tới (2) rồi từ (2) lại tạo ra (1), cứ thế cứ thế lặp đi lặp lại thành một chu trình vô tận. Vì chất xúc tác chính để nó hoạt động là “cạnh tranh” nên có thể tạm đặt tên cho chu trình này là “thuyết tiến hóa của bóng đá”. Chu trình này đôi lúc hoàn thành một vòng lặp trong 10-20 năm, có khi chỉ từ 2-3 năm hay thậm chí là chỉ 1-2 năm – tốc độ của nó phụ thuộc vào chất xúc tác “cạnh tranh” nhiều hay là ít.

bóng đá world cup 1950

Trận đấu World Cup 1950 giữa Uruguay và Brazil

Có thể nói là từ 1950 tới 2010 thì sự “cạnh tranh” trong bóng đá chưa thật sự cao, một ví dụ minh họa là chúng ta có thể dễ dàng tìm được những trường hợp cầu thủ có chút danh vọng có chút tiền là ăn chơi sa đọa rồi đánh mất sự nghiệp, hay những đội bóng đề cao sự hoa mỹ, biểu diễn hơn là thực dụng và kết quả.

Nhưng từ năm 2010 trở đi, hàng tấn tiền đổ vào ngành công nghiệp bóng đá khiến sự khắc nghiệt được đẩy lên cao nhất. Hơn lúc nào hết, chiến thắng là khát khao duy nhất của mỗi CLB, mỗi đội bóng và mỗi cá nhân – chính vì thế mà thập niên 10s là thập kỷ ấn tượng nhất của lịch sử chiến thuật bóng đá khi có lúc chu trình “thuyết tiến hóa của bóng đá” chỉ mất 1 mùa giải để hoàn thành vòng lặp.

I, SƠ ĐỒ 4-4-2 HUYỀN THOẠI BỊ KHAI TỬ VÀ SỰ PHỔ BIẾN CỦA 4-2-3-1

Năm 2010, năm đầu tiên của thập kỷ đánh dấu một trong những kỳ World Cup bị truyền thông cho là nhàm chán nhất lịch sử khi mà hàng loạt các đội tuyển tự biến mình trở thành “những phiên bản copy của Mourinho”. Đây là kỳ World Cup có ít bàn thắng được ghi nhất kể từ khi giải này được nâng lên 32 đội tham dự với 145 bàn, bản thân Tây Ban Nha cũng là nhà vô địch làm tung lưới đối phương ít nhất lịch sử.

Vậy các đội tuyển học tập điều gì ở Mourinho – nhà vô địch C1 năm đó? Là lối phòng ngự xe bus thiên về zonal marking (phòng thủ khu vực) với 2 dải 4-4 chăng? – Không, đó chỉ là một công cụ chứ không phải là cái cốt lõi trong triết lý của Mourinho. World Cup 2010 được đánh dấu là một trong những kỳ World Cup quan trọng bậc nhất lịch sử khi nó trở thành dấu mốc khai tử một sơ đồ huyền thoại đã thịnh hành trong bóng đá suốt từ 1950 – sơ đồ 4-4-2.

Mourinho và cú ăn 3 vĩ đại cùng Inter

Lần đầu tiên, trong một kỳ World Cup, số đội tuyển chơi với sơ đồ 4-4-2 giảm xuống dưới mức 50%, chính xác chỉ có 7/32 đội tham dự vẫn giữ kết cấu 4-4-2 truyền thống – phần lớn trong số đó là các nền bóng đá kém phát triển hơn như Châu Á hay Châu Phi. Chỉ có 2 đội bóng lớn vẫn chơi 4-4-2 là Anh (vốn vẫn luôn bị chê là có lối chơi lạc hậu) và Uruguay.

Sở dĩ 4-4-2 trở thành chủ đạo của bóng đá suốt 60 năm bởi sự cân bằng mà nó mang lại, từ 4-4-2 mà một đội bóng có thể triển khai mọi lối chơi, mọi công cụ chiến thuật hay dễ dàng cơ động tạo ra những biến thể tùy tình huống. Tuy nhiên, khi mà người ta tìm ra một sơ đồ khác cân bằng hơn cả 4-4-2 thì đó cũng là lúc nó lui vào dĩ vãng – và đó chính là 4-2-3-1.

Đội hình Inter trận chung kết UCL

Sơ đồ 4-2-3-1 không khác nhiều 4-4-2 trong cách vận hành, bản thân nó cũng là phiên bản nâng cấp của 4-4-2. Có thể diễn giải cách biến đổi từ 4-4-2 sang 4-2-3-1 đơn giản là “kéo tiền đạo lùi ở vị trí số 10 của 4-4-2 về trung tuyến thành một tiền vệ công, san sẻ trách nhiệm xâm nhập vòng cấm của hắn ta cho 2 tiền vệ cánh (tiền vệ cánh trở thành tiền đạo cánh), thông qua đó giảm bớt gánh nặng về tấn công cho 2 tiền vệ trụ bên dưới giúp họ chuyên tâm vào điều tiết và phòng ngự hơn – vậy là ta có 4-2-3-1”. Chính vì vậy, sự vượt trội hơn của 4-2-3-1 so với 4-4-2 nằm ở độ dày ở khu trung tuyến, khu trung tuyến chỉ với 2 người của 4-4-2 tỏ ra thiếu sức nặng hơn hẳn 3 người của 4-2-3-1 – điều này giúp năng lực kiểm soát trận đấu của một đội chơi 4-2-3-1 cao hơn một đội chơi 4-4-2.

Mourinho là một trong những HLV tiên phong cho xu thế tổ chức khu trung tuyến với 3 tiền vệ, định nghĩa lại cách nhìn nhận của giới bóng đá về tiêu chí của một tiền vệ. Trước đây, người ta ít khi đưa một cầu thủ có kĩ năng chuyền bóng và điều phối trung bình vào trung tuyến, kể cả có là tiền vệ chuyên trách phòng ngự thì khả năng chuyền bóng phải luôn được đặt lên cao nhất trong các lựa chọn – tuy vậy, Mourinho và Inter Milan đã chứng minh rằng họ có thể vô địch C1 với những anh tiền vệ cứ như trung vệ được kéo lên kiểu như Cambiasso.

Đây vốn không phải là điều mới mẻ của Mourinho mà là một hành trình dài khẳng định, Inter Milan đại thành công năm 2010 là một phiên bản khác của Chelsea những năm giữa thập kỷ 00s do chính Mourinho dẫn dắt với nòng cốt là một bộ ba trung tuyến được tổ chức với sự chuyên trách rất rõ ràng. Một tiền vệ công dẫn dắt lối chơi giống như Lampard hay Sneijder, một tiền vệ anchor man (mỏ neo) phòng ngự từ xa giống như Makelele hay Cambiasso và cuối cùng là người cân bằng công thủ lãnh trách nhiệm điều phối như Thiago Motta hay Essien (ở Chelsea đôi lúc Lampard đá cả vị trí này).

Có tới 18/32 đội ở World Cup 2010 sử dụng sơ đồ chủ đạo là 4-2-3-1, tiêu biểu nhất đó là Á quân Hà Lan, Brazil của Dunga, hay đội tuyển Đức trẻ trung của Joachim Loew – ba đội tuyển này đều có cách bố trí trung tuyến tương tự kiểu của Mourinho. Có thể dễ dàng thấy được Sneijder, Kaka, Mesut Oezil là những tiền vệ công – De Jong, Gilberto Silva, Khedira (không hoàn toàn là mỏ neo và cũng không đá thấp nhất, nhưng lãnh nhiều trách nhiệm phòng ngự nhất) là những tiền vệ mỏ neo dọn dẹp và cuối cùng Van Bommel, Felipe Melo, Schweinsteiger là những tiền vệ cân bằng công thủ.

Điều đặc biệt là cả Brazil và Hà Lan đều gặp phải những chỉ trích lớn ở kỳ World Cup 2010 này khi lần đầu tiên trình diễn một lối chơi thiên về thực dụng (bất chấp một điều rằng họ chơi rất tốt) – ngược lại hẳn với bản sắc vốn có của họ. Tuy vậy, Đức lại là một ví dụ khác cho thấy việc xây dựng nền tảng 3 tiền vệ ở trung tuyến với 2 tiền vệ trụ không hẳn cứ phải là để phục vụ lối chơi thiên về phòng ngự, việc giữ được sự kiểm soát và cân bằng công thủ là điều mà họ nhắm đến – điều này thể hiện sâu hơn ở nơi phát tích ra 4-2-3-1.

Những ý tưởng đầu tiên của 4-2-3-1 thực ra không đến từ Mourinho mà là từ Benitez. Vị HLV người Tây Ban Nha này xây dựng 4-2-3-1 ngay từ khi còn dẫn dắt Valencia với Pablo Aimar đá tiền vệ công, Albelda là mỏ neo, và Baraja cân bằng công thủ. Thế giới bóng đá thực sự chú ý tới hệ thống của Benitez sau khi ông sử dụng nó cùng Liverpool vào đến chung kết C1 năm 2007, ông tổ hợp hàng tiền vệ với Gerarrd đá tiền vệ công, Masherano mỏ neo và Xabi Alonso cân bằng công thủ.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những thành công của sơ đồ 4-3-3 mà Barcelona và Manchester United có được ở thời kỳ cuối thập niên 00s cũng khiến người ta nhận ra 4-4-2 đã thực sự không còn hợp thời nữa. Và từ đó, thập niên 10s mở ra với sự bứt lên của 4-2-3-1 như một sơ đồ cơ bản và phổ biến nhất. 

(còn tiếp)…

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top