CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ ĐÃ TIẾN HÓA THẾ NÀO TRONG MỘT THẬP KỶ QUA (PHẦN 2)

II, PHONG TRÀO TIKI-TAKA HAY POSSESION GAME

Cần phải hiểu rõ thế này, tiki-taka không phải định danh chính thức của lối đá hay trường phái bóng đá nào cả, nguồn gốc của nó xuất phát từ năm Euro 2008, khi bình luận viên Andres Montes của Lasexta vì quá phấn khích trước màn trình diễn của đội tuyển Tây Ban Nha mà khen rằng “Estamos toncado tiqui-taca tiqui-taca” – ý nói rằng các học trò của Luis Aragones chơi một thứ bóng đá đập nhả như tiếng tích tắc của đồng hồ.

Cũng giống như Tạ Biên Cương, Andres Montes có cái tài sử dụng những từ vừa tượng thanh mà vừa tượng hình khiến khán giả thích thú và ấn tượng, “tiqui-taca” hay “tiki-taka” từ đó mà trở nên thông dụng và sau này người ta gắn nó với lối chơi của Barcelona thời Pep Guardiola.

bóng đá tây ban nha euro 2008

“Estamos toncado tiqui-taca tiqui-taca”

Tuy nhiên, cái cốt lõi của triết lý bóng đá của Pep Guardiola không phải chỉ đơn giản là những đường chuyền ngắn tích tắc mà rộng hơn là kiểm soát bóng (possesion game). Nó thể hiện rõ trong câu nói “bạn không thể ghi được bàn nếu không sở hữu bóng”, một cách diễn giải riêng hơn của câu “tấn công là cách phòng ngự hiệu quả nhất” – tức là khả năng kiểm soát bóng không chỉ là mấu chốt của giải pháp ghi bàn mà còn là phương án chống ghi bàn chủ đạo.

Khoảng những năm đầu của thập kỉ 10s, lối chơi kiểm soát bóng sở dĩ nó nổi lên vì có 2 nguyên nhân:

1, Sự thành công rực rỡ của bóng đá Tây Ban Nha khi đội tuyển của họ vô địch World Cup 2010, Euro 2012 và Barcelona vô địch C1 năm 2011. Cho dù Del Bosque và Pep Guardiola có những sự khác biệt nhưng về tổng thể thì họ có chung một triết lý kiểm soát bóng và đều dùng nòng cốt là bộ ba Xavi, Iniesta, Sergio Busquest.

Xavi, Iniesta, Sergio Busquest

Và từ đó mà ở những năm đầu của thập niên 10s, nhiều CLB ở Châu Âu học tập và đưa ra những định hướng mới để phát triển lối chơi này, có thể kể đến các đại diện của Premier League như Arsenal của Arsene Wenger và Machester City của Mancini, các đại diện Bundesliga như Bayern Munich của Jupp Heynckes hay một đại diện Ligue 1 nữa như PSG của Carlo Ancelotti. Ở bình diện đội tuyển quốc gia, ngoài Tây Ban Nha thì Đức chính là đội chuyển biến lối chơi sang possesion game rất rõ rệt và thậm chí sau đó họ còn vượt trội hơn cả Tây Ban Nha khi vô địch World Cup 2014.

2, Đó là phương án đối lập và tốt nhất để đối phó với “những phiên bản copy của Mourinho” – cách chơi mà phần lớn các đội từ trung bình khá trở xuống đua nhau xây dựng trong thời kỳ này. Họ thường phòng ngự phản công với 2 dải 4-4 nằm kín kẽ trước khung thành.

Cách chơi thiên về phòng ngự khu vực như vậy tuy tạo ra những khối phòng ngự dày đặc ở phần sân nhà nhưng lại mở ra khoảng trống lớn cho đối thủ ở phía trên – và đây là điều kiện tốt để các đội bóng lớn có thể vô tư gia tăng quyền kiểm soát bóng tại không gian đó mà không gặp quá nhiều áp lực. Thay vì cố gắng đưa ra những đường chuyền mạo hiểm để lĩnh đòn phản công, họ cẩn thận chuyền thật chắc chắn, ép dần dần đối phương lui về sân nhà và triển khai các bài “phá bê tông”.

Phương án cầm bóng của các đội không hẳn là có sự đồng nhất, ví dụ như Pep Guardiola rất chú trọng về không gian, ông luôn muốn tận dụng tối đa chiều ngang của mặt sân để đối phương phải giãn đội hình theo hết mức có thể, giống như xé một tờ giấy sẽ luôn khiến vết rách hở ra ở giữa – chính vì vậy mà ông luôn yêu cầu các tiền đạo cánh bám sát biên và chỉ được di chuyển tự do khi nào có hậu vệ cánh dâng lên thế chỗ.

Arsene Wenger thì có tư duy ngược lại, thay vì xé tờ giấy thì ông lại thích vò nát nó. Arsenal của ông rất ít khi chơi với đầy đủ 2 cầu thủ bám cánh, thay vào đó ông thường sử dụng các tiền vệ công như Samir Nasri hay Rosicky chơi ở cánh. Điều mà Wenger muốn nhắm đến là nhồi thật nhiều playmaker di chuyển tự do được chơi gần nhau, qua đó tạo ra tính liên kết tối đa ở khắp mặt sân – Del Bosque cũng có hướng đi giống như Wenger và đó là lý do vì sao trong khi Pep Guardiola ưa dùng Pedro thay vì Henry thì Del Bosque lại thích dùng David Silva và Iniesta thay vì Pedro chơi ở cánh hơn.

Arsene Wenger

Mặc dù vậy, cả Pep và Wenger đều đặt trọng tâm của hệ thống điều tiết là các cầu thủ có xu hướng Roaming như Xavi, Iniesta, Cesc Fabregas, Cazorla. Còn với Carlo Ancelotti và Jupp Heynckes thì xây dựng nền tảng kiểm soát bóng với những mẫu cầu thủ “chia bài”. Ở Bayern Munich, Jupp Heynckes sử dụng bộ đôi Kroos và Schweinsteiger còn với PSG của Carlo Ancelotti thì độc đáo hơn khi kéo David Beckham vào giữa và biến anh thành Regista kiểu mới. Sau này, một HLV người Ý khác cũng có những sắp xếp rất tương đồng với ông đó là Sarri và cậu học trò cưng Jorginho.

Cho dù possesion game không phải là một trường phái mới mẻ, nhưng trong thập niên 10s nó được nâng lên một tầm cao mới và tách biệt rõ ràng với những khái niệm mơ hồ về “bóng đá đẹp” hay “ban bật đẹp mắt”. Thậm chí, có đôi lúc lối chơi kiểm soát bóng còn bị chỉ trích là quá thực dụng và có cả người chê là chơi xấu, khác với những quan niệm trước đây rằng chơi chủ động luôn là chơi đẹp.

(còn tiếp…)

2 thoughts on “CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ ĐÃ TIẾN HÓA THẾ NÀO TRONG MỘT THẬP KỶ QUA (PHẦN 2)”

  1. Pingback: Lý do Man City thất bại trước Aston Villa - HVKN

  2. Pingback: Bóng đá Việt Nam: Liệu ngoại binh có phải là lựa chọn tối ưu

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top